Cai nghiện điện thoại cho trẻ em như thế nào ?
Cai nghiện điện thoại cho trẻ em là một quá trình cần sự kỷ luật hàng ngày. Tốt nhất là ngay từ đầu bố mẹ không cho con xem điện thoại.
Nếu trẻ em đã nghiện xem điện thoại như một thói quen thì dưới đây là 3 cách giúp cai nghiện điện thoại ở trẻ em:
1. Cai nghiện điện thoại bằng kế hoạch chủ động.
Trẻ em khi nghiện điện thoại thì bất kỳ khi nào có cơ hội tiếp cận điện thoại thì các con đều đòi, lấy xem. Và tự các con không thể dứt ra được. Và khi cha mẹ lấy điện thoại thì các con thường tức giận, dỗi.
Làm như thế nào để chấm dứt hoàn toàn tình trạng ấy ?
Tư duy đầu tiên là cha mẹ cần có kế hoạch chủ động giúp con giảm thời gian xem điện thoại bằng một thói quen mới.
Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, lứa tuổi của con và thời gian bố mẹ có thể dành cho con mỗi ngày (sáng, chiều, tối) để tạo thói quen mới cho trẻ em.
Não bộ trẻ em rất hào hứng với bất kỳ thứ gì mới, lạ và trò chơi mới là một thứ tuyệt vời. Hãy chọn trò chơi lành mạnh.
Với Doctor Chu, khi con vừa lên 8 tuổi là thời điểm con hay xem điện thoại, mình đã thay thế thói quen xem điện thoại bằng thói quen mới – chơi cờ vua và đất nặn. Con trai mình rất hào hứng, đòi bố cho đi mua cờ vua, đất nặn ngay.
Mỗi lần mình nặn đất thay đổi từ con vật này sang con vật khác một cách bất ngờ thì con mình cười thích thú. Tình cảm cha con ngày càng gắn kết hơn và tạo năng lượng tích cực cho cả gia đình.
Bắt đầu thói quen mới với trẻ em tương đối dễ dàng nhưng cần phải chấm dứt thói quen cũ một cách từ từ. Sẽ có lúc con đòi xem điện thoại – đồ chơi.
Nếu phụ huynh cắt ngay bằng cách cấm đoán, áp lực, đánh mắng con thì sẽ phản tác dụng.
Mà lúc này, Doctor Chu đã chuyển việc xem điện thoại đồ chơi sang dạng một phần thưởng. Mình sẽ thưởng cho con xem điện thoại hoặc tivi về lịch sử (vì con mình thích film lịch sử về các anh hùng dân tộc) sau khi đã hoàn thành bài tập về nhà.
Con mình tan học và về nhà lúc 17h.
Mình thưởng cho con chơi, thể dục 30p. Sau đó, con đi tắm. Tắm xong, con sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu thì bộ não sẽ tập trung. Mình sẽ duy trì cho con học tập, làm bài tập toán và tiếng việt.
Con sẽ cần thời gian khoảng 30 – 45p để làm bài tập. Sau khi học, nếu con không nhớ thói quen cũ, không đòi xem điện thoại thì bạn nên để con tự chơi hoạt động thể lực như đạp xe, không dùng đồ điện tử.
Nếu con đòi thì mình thưởng cho xem film lịch sử trên Youtube Kid khoảng 15 – 30p. Tối đa là 30p trên tivi, hạn chế cho xem cho điện thoại.
Vì đã thống nhất với con từ trước nên khi mình tắt Youtube thì con cũng vui vẻ nghe theo.
Và kế hoạch là chủ động giảm thời gian xem video lịch sử và chuyển sang đọc sách lịch sử, sách truyện tranh lịch sử.
2. Duy trì việc cai nghiện điện thoại bằng thói quen mới một cách nhẹ nhàng, đều đặn cho trẻ em.
Trẻ em khi chưa được dạy về thói quen nên không hiểu sức mạnh của thói quen. Phụ huynh hãy giúp trẻ tạo thói quen trẻ ngay từ nhỏ.
Các cụ có câu: “Dạy con từ thủa còn thơ”. Kinh nghiệm của cổ nhân rất đúng.
Về bản chất, là tạo dựng thói quen tốt ngay từ nhỏ.
Thói quen tốt sẽ thúc đẩy con trở thành người tốt.
Thói quen xấu sẽ hủy hoại cuộc đời con.
Và thói quen xấu chỉ được diệt trừ bởi thói quen tốt.
Việc tạo dựng thói quen tốt cần duy trì một cách nhẹ nhàng, âm thầm, lặng lẽ, tránh đao to búa lớn.
Đừng nói với con là bố sẽ giúp con tạo một thói quen tốt là chơi cờ vua, đất nặn, vẽ tranh…Đừng đánh mắng con khi con dùng điện thoại nhiều vì sẽ tạo ra sự phản kháng.
Mà bạn hãy âm thầm khuyến khích con thông qua phần thưởng sau khi con hoàn thành xong một việc nhỏ như làm bài tập, giúp bố mẹ làm việc nhà.
Đều đặn như vậy thì con sẽ hình thành thói quen.
3. Cha mẹ sống như tấm gương, đừng sống như sự cảnh báo
trong việc cai nghiện điện thoại cho trẻ em ?
Cha mẹ là hình mẫu của con. Từ khi con còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, thói quen của con chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bố mẹ.
Nhìn lại bản thân, ngẫm trên nhiều khía cạnh, mình thấy bản thân chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bố mẹ. Nói như vậy không phải là đổ lỗi cho bố mẹ về những hạn chế của bản thân.
Từ thói quen chi tiêu, quản lý tiền bạc cho đến cách dạy dỗ con, mình đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của bố mẹ. Khi trưởng thành thì mình mới nhận ra thói quen chi tiêu, dạy con giống bố mẹ dạy mình khi xưa.
Các con học hỏi rất nhanh từ cha mẹ, ông bà và người lớn xung quanh mình thông qua mô thức bắt chước (sao chép).
Chính vì vậy, là phụ huynh, bác sĩ kêu gọi phụ huynh hãy sống như một tấm gương và đừng sống như sự cảnh báo.
Mọi thói quen, mọi góc độ bề rộng, mọi cấp độ chiều sâu thói quen, cha mẹ hãy sống như một tấm gương và đừng sống như sự cảnh báo.
Như thế nào là tấm gương và như thế nào là sự cảnh báo ?
Sống như tấm gương | Sống như sự cảnh báo |
Cha mẹ hòa thuận, trò chuyện với nhau vui vẻ khi ở nhà | Cha mẹ bất hòa, mỗi người một điện thoại khi ở nhà.
Hệ quả: Tình cảm vợ chồng, cha mẹ và con ngày càng xa cách |
Cha mẹ trò chuyện với con, chơi cùng con | Cha mẹ chỉ biết lo cho con con cơm ăn áo mặc, không tham gia hoạt động cùng con.
Hệ quả: Cha mẹ không hiểu tâm lý của con. Không hiểu tại sao con không vâng lời. |
Cha mẹ là bạn thân nhất của con, cần con làm gì thì cha mẹ tạo cho con động lực để làm. | Cha mẹ là bề trên của con, cần con làm gì chỉ tay, ra lệnh, bắt buộc phải nghe lời.
Hệ quả: Con áp lực khi có bố mẹ ở nhà. Con không muốn gần bố mẹ. |
Cha mẹ nhẫn nại khi không vừa lòng với nhau, với con. | Cha mẹ cãi nhau khi không vừa lòng. Cha mẹ mắng, đánh con khi không vừa lòng.
Hệ quả: Con dễ nổi cáu, bực tức khi không vừa lòng. |
Cha mẹ đọc sách thay vì xem điện thoại. | Cha mẹ xem điện thoại không kiểm soát.
Hệ quả: Con xem điện thoại không kiểm soát. |
Cha mẹ làm việc nhà và hướng dẫn con cùng làm việc nhà. | Cha mẹ lười làm việc nhà hoặc cha mẹ làm hết việc nhà cho con.
Hệ quả: Con không quý trọng lao động và không quý trọng những gì cha mẹ dành cho mình. |
Cha mẹ học tập hàng ngày. Cha mẹ coi trọng trí tuệ hơn tiền bạc. | Cha mẹ chỉ tập trung kiếm tiền, làm giàu.
Hệ quả: Con không được dạy dỗ, dễ sa ngã, buông lỏng, không kiểm soát. |
Cha mẹ coi trọng sức khỏe hơn tin tức. Cha mẹ tập thể dục hàng ngày vào thời gian rảnh. | Cha mẹ đọc tin, hóng tin suốt ngày, không tập thể dục.
Hệ quả: Cha mẹ sức khỏe kém, con sức khỏe kém. |
Cha mẹ để trẻ tự ăn khi các con đã có thể tự xúc, chấp nhận rơi vãi thức ăn và con sẽ điều chỉnh dần.
Luôn tập trung khi ăn cũng như làm bất kỳ việc gì, chỉ làm 1 việc. Phòng ăn không có tivi và không bao giờ chiều con bằng cách cho con xem điện thoại khi ăn. |
Cha mẹ xúc thức ăn cho con và có thói quen cho con xem điện thoại, tivi khi ăn.
Hệ quả: Con mất tập trung, tâm trí luôn phân tán. Việc tiêu hóa thức ăn của con không tốt do không được thưởng thức vị ngon của thức ăn, tăng tiết axit gây viêm dạ dày từ sớm. |
Cha mẹ coi trọng trò chuyện, chia sẻ với nhau và với các con. | Cha mẹ không chia sẻ với con. Khi không vừa lòng về con thường mắng, đánh, áp đặt mà không giải thích để con hiểu.
Hệ quả: Con sống cô lập, dễ stress, dễ sa vào thói quen xấu và hành xử bất thường. |
Chúc bạn thành công bền vững cùng con cháu !
Tác giả bài viết: Doctor Chu,
The Power Of Passion.
Nhật ký ngày 24/02/2024,
Khu Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh, TP. Bắc Ninh, Việt Nam.
Kết bạn với Doctor Chu qua các kênh:
Website: doctorchuspa.com
Youtube: Doctor Chu . Doctor For Women
Hotline for work: 0968.850.088