Liệt Dây Thần Kinh Số 7: Hướng Dẫn Toàn Diện Dành Cho Bệnh Nhân

Liệt dây thần kinh số VII ngoại vi: triệu chứng, nguyên nhân và hướng điều trị

Liệt Dây Thần Kinh Số 7 Ngoại Vi: Hướng Dẫn Toàn Diện Dành Cho Bệnh Nhân

Liệt dây thần kinh số 7 là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng bệnh nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác.

Lưu ý: Đúng thuật ngữ y học, chúng tôi gọi là: “dây thần kinh số VII”, đánh dấu 12 đôi dây thần kinh sọ não theo số La Mã. Nay, bác sĩ viết như vậy để gần gũi hơn với bệnh nhân. 

Bài viết này, bác sĩ dành để tư vấn cho bệnh nhân bị liệt dây VII ngoại vi một cách toàn diện gồm:

  • Phát hiện sớm bệnh qua triệu chứng hay gặp.
  • Nguyên nhân của liệt nửa mặt do tổn thương dây thần kinh số VII.
  • Tiên lượng bệnh, ảnh hưởng của bệnh tới bệnh nhân.
  • Biến chứng của bệnh liệt dây thần kinh mặt.
  • Hướng điều trị dành cho bệnh nhân liệt nửa mặt.
  • Bệnh nhân cần làm gì: đi khám ở đâu, gặp bác sĩ chuyên khoa nào ?
  • Hướng dẫn sinh hoạt, chế độ ăn uống dành cho bệnh nhân.

Chúng ta cùng bắt đầu ngay bây giờ nhé.

Bệnh nhân Liệt dây thần kinh số VII ngoại vi do lạnh điều trị bởi bác sĩ Chu
Bệnh nhân tại Bắc Ninh: tổn thương dây thần kinh số VII ngoại vi do lạnh (liệt Bell) được điều trị bởi bác sĩ Chu.

Phát hiện sớm liệt dây thần kinh số VII qua các triệu chứng chính sau:

– Biểu hiện chính của bệnh là liệt nửa mặt, méo miệng.

  • Một bên má bất động, không thể mỉm cười
  • Không khép kín được nên người bệnh dễ bị chảy nước góc miệng bên liệt khi uống nước.
  • Đọng cơm, thức ăn ở góc miệng bên liệt

– Do cơ mặt bên liệt yếu nên cơ bên lành kéo miệng bị kéo lệch hẳn về bên lành.

– Thay đổi vị giác.

– Đau ở vùng góc hàm, tai

– Nhạy cảm hơn với âm thanh.

– Khó nói, méo miệng, khó ăn uống

– Nếu nguyên nhân liệt dây thần kinh là do nhiễm trùng, bệnh nhân còn có thể bị đau dữ dội, vòm miệng hay ở lưỡi bị nổi mụn nước.

Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII ngoại vi là gì ?

Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra:

  • Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm lạnh đột ngột (liệt Bell).
  • Nhiễm virus, nhiễm khuẩn.
  • Chấn thương vùng mặt, ở sọ vùng thái dương, xương chũm.
  • Viêm tai mũi họng.
Doctor Chu thăm khám bệnh nhân liệt dây thần kinh số VII.
Doctor Chu thăm khám bệnh nhân liệt mặt do tổn thương dây số VII: cháu học sinh lớp 5 tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Tiên lượng: Liệt dây thần kinh số VII ngoại vi có nguy hiểm không ?

Liệt mặt do tổn thương dây VII ngoại vi là căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ảnh hưởng của bệnh chủ yếu về thẩm mỹ, tâm lý, cuộc sống.

Nhiều bệnh nhân đến với bác sĩ trong trạng thái hoảng loạn, lo sợ. Sau khi được bác sĩ tư vấn thì tâm lý bình ổn trở lại. Tuy nhiên, cảm giác tự ti, mặc cảm trong suốt thời gian chưa hồi phục thực sự đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Bệnh nhân ngại tiếp xúc xã hội, ngại giao tiếp, phải đối mặt với bạn bè, đồng nghiệp.

Do cơ mặt bị liệt nên giọng nói của bệnh nhân bị “méo”, không rõ, thậm chí khó nói nên khả năng giao tiếp, nói chuyện hạn chế.

Với công việc đòi hỏi giao tiếp nhiều, chất giọng tốt như MC, ca sĩ, diễn viên, tư vấn viên, bán hàng, thuyết trình viên, giáo viên… càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc.

Từ đó, ảnh hướng tới thu nhập và cuộc sống gia đình.

Còn về mặt tiến triển của bệnh, liệt dây thần kinh số VII ngoại vi có thể gây ra biến chứng nặng nếu không được điều trị sớm – đúng và hiệu quả.

Biến chứng của liệt dây thần kinh số VII ngoại vi

Một vài trường hợp, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như sau:

– Biến chứng tại mắt:

  • Viêm giác mạc
  • Viêm kết mạc
  • Loét giác mạc
  • Lộn mí

– Co thắt nửa mặt sau liệt mặt.

– Đồng vận:

Khi người bệnh nhắm mắt, đồng thời phần mép cũng bị kéo lại.

Nếu đã xảy ra biến chứng này thì không thể chữa khỏi bệnh mà chỉ có thể hồi phục một phần bằng phương pháp phục hồi chức năng.

– Hội chứng nước mắt cá sấu:

Người bệnh bị chảy nước mắt trong lúc ăn, tuy nhiên triệu chứng này ít khi xảy ra.

Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có chữa được không?

Cơ hội chữa khỏi bệnh này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Thời gian bệnh nhân đến với bác sĩ chuyên khoa để điều trị sớm hay muộn
  • Nguyên nhân gây tổn thương dây VII có được phát hiện đúng không
  • Phác đồ điều trị có hiệu quả không

Theo kinh nghiệm của bác  sĩ Chu, khoảng 80% người bệnh có cơ hội được chữa khỏi bệnh sau 1 đến 2 tháng nếu phát hiện sớm, điều trị sớm và đúng phác đồ.

Điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại vi (ngoại biên) tại Doctor Chu Spa
Điều trị liệt mặt do tổn thương dây VII ngoại vi tại Doctor Chu Spa.

Hướng điều trị toàn diện dành cho bệnh nhân liệt nửa mặt do tổn thương dây VII ngoại vi

Phác đồ điều trị của bác sĩ Chu gồm:

  • Điều trị nội khoa: dùng thuốc uống, thuốc tiêm.
  • Điều trị vật lý trị liệu: Hồng ngoại, sóng ngắn, siêu âm trị liệu, điện châm trị liệu, điện xung.
  • Phục hồi chức năng: Bài tập dành riêng cho bệnh nhân liệt nửa mặt do tổn thương dây VII ngoại biên.
  • Y học cổ truyền: Thuốc sắc đông y, mát xa, bấm huyệt đặc trị liệt nửa mặt.
  • Chế độ ăn, uống khoa học và sinh hoạt hợp lý dành cho bệnh nhân.

Theo kinh nghiệm của bác sĩ Chu, tiên lượng khả năng hồi phục cơ vùng mặt khi tổn thương dây thần kinh số VII:

  • Người trẻ tuổi có cơ hội điều trị khỏi bệnh cao hơn.
  • Người cao tuổi lại thường phục hồi chậm hơn.
  • Điều trị sớm (ngay trong tuần đầu tiên) thì khả năng hồi phục tốt, sau khoảng 20 ngày điều trị.
  • Nếu điều trị muộn thì bệnh rất khó hồi phục hoàn toàn và phần lớn bệnh nhân bị méo miệng khi cười.
  • Nếu phát hiện muộn cùng với điều trị bệnh sai cách thì bệnh còn có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn.

Bệnh nhân tổn thương dây thần kinh số VII ngoại vi cần làm gì khi mới phát hiện bệnh ?

Nhiều bệnh nhân kể với bác sĩ: Khi thức giấc buổi sáng, đánh răng thấy nước chảy qua một góc miệng, soi gương mới biết bị lệch mặt. Lúc này, bệnh nhân cảm thấy rất hoảng sợ vì lo tai biến mạch máu não (đột quỵ não).

Theo bác sĩ Chu, nếu tay & chân bệnh nhân vận động hoàn toàn bình thường thì tạm thời bệnh nhân yên tâm, bình tĩnh đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Bệnh nhân cần thăm khám các nội dung gì tại Bệnh viện ?

Theo bác sĩ Chu, bệnh nhân cần đi khám tại bệnh viện chuyên khoa phục hồi chức năng hoặc bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trở nên.

Các chuyên khoa có thể khám bệnh và điều trị bệnh liệt mặt do lạnh tại Bệnh viện là:

  • Khoa nội thần kinh
  • Khoa vật lý trị liệu
  • Khoa phục hồi chức năng
  • Khoa y học cổ truyền

Vậy bạn nên đến các chuyên khoa này và gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám được chính xác, phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhé.

Bệnh nhân cần làm các kỹ thuật cận lâm sàng gì ?

Đầu tiên, bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân bằng cách:

  • Hỏi tiền sử bệnh
  • Hỏi bệnh sử
  • Khám lâm sàng thông qua các thao tác cơ bản: nhìn – sờ – gõ – nghe.

Với định hướng bệnh nhân tổn thương dây VII nhưng chưa rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân các kỹ thuật sau:

  • X-quang sọ não: Nếu bệnh nhân có chấn thương vùng tai, chấn thương sọ não
  • Cắt lớp vi tính sọ não (CT scaner): Xác định tổn thương bên trong sọ não như u, tụ máu, nhồi máu, chảy máu…
  • Nội soi tai mũi họng.
  • Các kỹ thuật thường quy khác như điện tâm đồ, lưu huyết não, xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu…

Quy trình khám bệnh tại Bệnh viện với bệnh nhân liệt dây VII như thế nào ?

Bước 1. Lấy số thứ tự và mua sổ khám bệnh:

Nhân viên sẽ hướng dẫn bệnh nhân vào quầy tiếp theo:

  • Quầy khám dịch vụ: Nếu bệnh nhân không có bảo hiểm hoặc bảo hiểm trái tuyến.
  • Khám bảo hiểm nếu bệnh nhân có bảo hiểm đúng tuyến.
  • Khám chế độ quân: Với bệnh nhân thuộc lực lượng vũ trang.
  • Khám theo yêu cầu: Nếu bệnh nhân đăng ký khám theo yêu cầu để được các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa, khám giáo sư.

Bước 2. Đăng ký thông tin bệnh nhân:

Tại các quầy trên, nhân viên sẽ đăng ký thông tin của bệnh nhân lên hệ thống phần mềm và đẩy thông tin vào phòng khám phù hợp.

Bước 3. Khám bệnh và chỉ định dịch vụ kỹ thuật:

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, chỉ định dịch vụ kỹ thuật gồm xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho bệnh nhân.

Nhân viên hỗ trợ in phiếu chỉ định đưa cho bệnh nhân.

Tiếp theo: Bệnh nhân khám chế độ dịch vụ, khám theo yêu cầu, bảo hiểm trái tuyến sẽ ra quầy thanh toán để nộp tiền.

Khi có dấu: “Đã thu tiền” trên phiếu chỉ định dịch vụ kỹ thuật thì bệnh nhân mới được làm các kỹ thuật trên phiếu chỉ định.

Bước 4. Thực hiện dịch vụ kỹ thuật và lấy kết quả.

Bệnh nhân tới khoa xét nghiệm, khoa chẩn đoán hình ảnh để thực hiện các kỹ thuật được chỉ định và chờ lấy kết quả.

Khi có tất cả các kết quả trên thì bệnh nhân quay trở lại phòng khám ban đầu để bác sĩ kết luận.

Bước 5. Kết luận chẩn đoán và ra quyết định điều trị.

Sau khi, bệnh nhân có đầy đủ dữ liệu từ kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh đem kết quả đưa cho bác sĩ khám bệnh.

Bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị cho từng bệnh nhân cụ thể, thường có các tình huống:

  • Kê đơn thuốc
  • Chỉ định nhập viện điều trị
  • Điều trị ngoại trú

Bước 6. Làm thủ tục nhập viện hoặc ra nhà thuốc mua thuốc.

  • Làm thủ tục nhập viện theo hướng dẫn tiếp theo của nhân viên bao gồm: Làm bệnh án, nộp tiền tạm ứng, lấy trang phục và nhập khoa điều trị theo chỉ định.
  • Thanh toán ra viện, lấy giấy ra viện và tái khám sau liệu trình điều trị nội trú.
  • Bệnh nhân không nhập viện thì mang đơn thuốc ra quầy thanh toán nộp tiền thuốc, sau đó, ra nhà thuốc bệnh viện để lĩnh thuốc.
  • Bệnh nhân tái khám theo hướng dẫn trên đơn thuốc của bác sĩ.

Lưu ý: Việc bố trí phòng khám và thủ tục có thể khác nhau đôi chút tại các bệnh viện nhưng trình tự khám là giống nhau như hướng dẫn ở trên.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt dành cho bệnh nhân liệt nửa mặt như thế nào ?

Bạn không thể luôn ngăn ngừa tổn thương thần kinh mặt.

Nhưng các hướng dẫn sau của bác sĩ Chu có thể giúp giữ cho hệ thần kinh của bạn — bao gồm dây thần kinh số VII khỏe mạnh:

Chế độ sinh hoạt:

  • Giữ vệ sinh mắt: Nhỏ nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý để tránh khô mắt và hạn chế bội nhiễm mắt.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Đặc biệt người bệnh cao tuổi và trẻ em. Do không giữ được nước trong miệng nên lười đánh răng, thức ăn ứ đọng bên má liệt…nên dễ bị viêm răng miệng, ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể.
  • Bảo vệ đầu và não: Hãy đội mũ bảo hiểm khi chơi các môn thể thao đối kháng, mạo hiểm và khi bạn đi xe đạp hoặc xe máy.
  • Bảo vệ vùng cổ gáy không bị nhiễm lạnh: Hãy quàng khăn kín vùng cổ gáy khi đi xe máy, xe đạp trời lạnh. Vào mùa hè thì bạn không để điều hòa chiếu thẳng vào vùng vai gáy khi đi ngủ.
  • Cai thuốc lá: thuốc lá làm chậm lưu lượng máu đến dây thần kinh của bạn.

Tâm lý bệnh nhân:

  • Người bệnh cần an tâm để có sự phối hợp và tuân thủ điều trị của bác sĩ, tỷ lệ lành bệnh sẽ cao hơn.
  • Giảm căng thẳng thông qua các liệu pháp tâm lý, thiền định, đi bộ, du lịch.

Chế độ ăn uống:

  • Ăn thực phẩm bổ dưỡng, đặc biệt là những thực phẩm có vitamin D và vitamin nhóm B, hỗ trợ hồi phục dây thần kinh như rau xanh, cá, trứng, sò, chai, hến, tôm, cá hồi…

Kiểm soát bệnh mạn tính:

  • Kiểm soát các tình trạng bệnh mạn tính có thể gây tổn thương thần kinh như bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp.
  • Kiểm soát tốt cân nặng: Nên duy trì BMI (chỉ số khối cơ thể) từ 18 – 22.

Hi vọng những hướng dẫn dễ thực hiện này, giúp bạn có một hệ thần kinh khỏe mạnh.

Bác sĩ chúc bạn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc !

Bác sĩ của bạn,

Tác giả bài viết: Doctor Chu,

The Power Of Passion.

Gây quỹ ủng hộ công việc phụng sự sức khỏe cộng đồng

Ủng hộ Doctor Chu để duy trì blog với nhiều bài viết chất lượng hơn nữa, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Mọi đóng góp của độc giả xin gửi về Số tài khoản Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VP Bank), số tài khoản: 0968 850 088, chủ tài khoản: Chu Văn Điển.

Xin trân trọng cảm ơn quý độc giả !

Ngày 14/12/2024 tại Khu đô thị Rùa Vàng City, Lạng Giang, Bắc Giang, Việt Nam.

Đọc toàn bộ blog của Doctor Chu bằng cách quét vào QR code phía dưới:

DOCTOR CHU

QR CODE của Doctor Chu
 QR kết bạn với Doctor Chu

Leave Comments

0968 850 088
0968850088