Sức khỏe: quan niệm toàn diện về sức khỏe

Sức khỏe là gì ?

Sức khỏe, một thuật ngữ quen thuộc nên khi Doctor Chu đặt câu hỏi như vậy có thể bạn đọc sẽ cười.

Thực tế là đôi khi những thứ quen thuộc nhưng có thể chúng ta chưa thực sự hiểu đầy đủ về nó.

Nên bác sĩ mong bạn đọc hãy mở lòng để đọc tiếp những quan niệm về sức khỏe trong lịch sử nhân loại để xem sự tiến bộ trong nhận thức loài người.

Trong lịch sử nhân loại, nhiều quan niệm về sức khỏe đã hình thành của các triết gia, vĩ nhân và bác sĩ nổi tiếng.

1.  Sức khỏe theo quan niệm của Hippocrates:

Hippocrates sinh năm 460 TCN, mất vào khoảng năm 380-370 TCN, người thày thuốc vĩ đại nhất thời Hy Lạp cổ đại, đã sống, chữa bệnh và giảng dạy về y học cách đây hơn 2000 năm, quan niệm:

+ Nhìn nhận cơ thể con người như một tổng thể, không phải rời rạc của các bộ phận.

+ Bệnh tật xuất hiện do nguyên nhân cụ thể và có thể nghiên cứu, chứ không phải là do thế lực siêu nhiên hay sự trừng phạt của thần thánh với tội lỗi của con người.

+ Sức khỏe, sự chữa lành bệnh tự nhiên có được nhờ chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, sống trong môi trường trong sạch và không khí trong lành.

+ Hippocrates là người thày thuốc đầu tiên tin rằng: tư tưởng, suy nghĩ và tình cảm xuất phát từ bộ não, không phải từ trái tim.

+ Ông cho rằng việc thực hành y khoa phải dựa trên cơ sở quan sát và nghiên cứu cơ thể người.

+ Ông là thày thuốc xuất chúng, là người đầu tiên mô tả chính xác về nhiều mặt bệnh như bệnh viêm phổi và động kinh ở trẻ em…

2. Đại danh y Tuệ Tĩnh:

Tuệ Tĩnh là một đại danh y của Việt Nam ta vào thế kỷ thứ XIV, đã có quan niệm về sức khỏe rất toàn diện, gồm 3 yếu tố cốt lõi: Tinh – Khí – Thần:

“Bế Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.

  • Tinh, khí, thần đầy đủ sung túc thì cơ thể khỏe mạnh.
  • Tinh, khí, thần là ba báu vật của mỗi con người cần cẩn trọng giữ gìn.

a. Tinh: Là cơ sở vật chất của sự sống con người, bao gồm các tinh chất nuôi sống cơ thể như protit, gluxit, lipit, các sinh tố, nguyên tố vi lượng…

Tinh bao gồm cả tinh sinh dục, chứ không phải chỉ có tinh sinh dục đơn thuuần như một số người đã hiểu chưa đầy đủ.

Phương pháp Bế tinh là giữ tinh luôn được đầy đủ, không để tinh bị hao tổn.

Tinh là cơ sở vật chất của sự sống. Khi tinh được đầy đủ, tất nhiên con người sẽ khỏe mạnh.

Nguyên nhân tinh khí hao tổn hay gặp như: ăn uống thiếu thốn, lao động quá sức, dâm dục quá độ sẽ làm hao tổn tinh khí sinh ra ốm đau bệnh hoạn vì thế muốn sống lâu phải bế tinh.

b. Dưỡng khí:

Là bảo vệ giữ gìn sức lực của mình luôn luôn cường tráng.

Muốn cho năng lượng hoạt động của con người được khỏe cần có “tinh” được giữ gìn đầy đủ nhưng trong sinh hoạt, lao động đều phải biết “dưỡng khí”.

Dưỡng khí là phải biết giữ gìn sức lực, trong lao động. Không nên quá sức, không chơi bời quá độ tức biết dưỡng khí, cơ thể khỏe mạnh mới sống lâu.

Lao động một cách khoa học, phù hợp với thể lực và tinh thần sẽ tốt cho sức khỏe.

Lao động gồm: lao động thể lực và lao động trí óc.

c. Tồn thần

Là luôn giữ gìn tinh thần của mình được thanh thản; thoải mái, đừng để cho hoàn cảnh bên ngoài làm nhiễu, loạn tinh thần chúng ta, đừng làm điều gì để lương tâm chúng ta bị cắn rứt ( stress) thì đó là biết “tồn thần”.

Yếu tố tinh thần là vô cùng quan trọng trong bảo vệ sức khỏe.

Vì thế y học cổ truyền rất coi trọng yếu tố “thất tình” (sự rối loạn của bảy trạng thái tinh thần) trong nguyên nhân gây bệnh nội thương như tức giận hại can, vui quá hại tâm, lo nghĩ nhiều hại tỳ, buồn rầu hại phế, kinh khủng sợ hãi hại thận.

d. Thanh tâm:

Thanh tâm là giữ để tâm trong sáng, không vẩn đục.

Muốn vậy thì không được làm những việc đê hèn, đố kỵ, tàn ác, cố chấp, không quá ham chuộng vật ngon của lạ, không quá lo tranh quyền, đoạt lợi.

Một người muốn có “Thanh Tâm” thì phải tu tâm dưỡng tính, trau dồi đạo đức cao thượng, hành vi thanh nhã, thuần khiết.

Tâm tĩnh thì thần an, thần an thì khí huyết tạng phủ điều hòa, tà khí khó xâm phạm mới kéo dài tuổi thọ.

e. Quả dục: 

  • Dục là ham muốn.
  • Quả là giảm bớt.
  • Quả dục là giảm, bớt ham muốn.

Như vậy, chúng ta muốn có thanh tâm thì chúng ta phải quả dục trước hết.

Là con người thì ai cũng có rất nhiều ham muốn.

Tâm lý y học hiện đại, Abraham Maslow cũng cho rằng: con người có 6 loại nhu cầu (ham muốn) từ nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, được yêu thương, được tôn trọng và tự khẳng định mình.

Chúng ta có thể chia ham muốn thành 2 nhóm:

  • Những ham muốn tốt đẹp, quý báu làm cho người ta có ý chí phấn đấu làm việc như muốn có công việc chính đáng, học hành đỗ đạt, làm việc thành công, mưu cầu hạnh phúc, làm lợi ích cho cộng đồng.
  • Những ham muốn xấu hoặc những ham muốn quá cao xa, quá đáng sẽ thúc giục tìm mọi cách giành giật, khi không được thì gây đau khổ, lo nghĩ, thất vọng, tâm trạng rối bời, mất ăn mất ngủ thì làm sao mà khỏe được.

f. Thủ chân: 

Chân khí là tổng hòa từ khí tiên thiên (mang tính di truyền do bố mẹ truyền cho con), khí hậu thiên (qua sự trao đổi chất, ăn uống và hít thở khí trời).

Do đó, muốn cho chân khí luôn được đầy đủ thì phải thường xuyên được bổ sung thông qua chế độ ăn uống và luyện thở.

Ăn cần đủ chất để giúp cơ thể sinh trưởng, phát dục thuận lợi, chống lão hóa, tránh các bệnh do thiếu dinh dưỡng gây ra.

Chế độ ăn uống cần kết hợp các thức ăn theo nguyên tắc toàn diện, hợp lý, kết hợp với nhau nhằm đủ chất dinh dưỡng, thăng bằng âm dương.

Ngoài ra, tĩnh dưỡng tàng thần giúp cho chân khí luôn được sung mãn không bị tổn thương, tăng cường sức đề kháng, có lợi cho việc phòng ngừa bệnh tật.

g. Luyện hình:

Luyện hình là luyện tập cơ thể thường xuyên để chân khí, huyết mạch lưu thông tốt, có tác dụng chống lão hóa.

Như vậy, danh y Tuệ Tĩnh sống cách chúng ta hơn 700 năm mà đã có quan niệm toàn diện về sức khỏe, có thể coi quan niệm này là bất hủ, trường tồn với thời gian.

3. Tổ chức y tế thế giới (WHO):

a. Định nghĩa sức khỏe của WHO:

“Sức khỏe là một trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh hay thương tật”.

b. Thành tố của sức khỏe theo WHO:

Theo định nghĩa về sức khỏe được khẳng định tại Điểm 1, Bản Tuyên ngôn Alma-Ata năm 1978 của WHO, bao gồm:

a. Sức khỏe thể chất được thể hiện một cách tổng quát, đó là sự sảng khoái và thoải mái về thể chất.

b.Sức khỏe tinh thần là sự thỏa mãn về mặt giao tiếp xã hội, tình cảm và tinh thần.

c. Sức khỏe xã hội – sự hòa nhập của cá nhân với cộng đồng.

Quan niệm của Tổ chức y tế thế giới hiện nay là toàn diện và thống nhất với quan niệm của danh y Tuệ Tĩnh của nước ta.

Quan niệm về sức khỏe sâu sắc của danh y Việt Nam

Theo góc nhìn cá nhân của Doctor Chu, quan niệm của danh y Tuệ Tĩnh sâu sắc hơn.

Theo quan niệm ấy, chúng ta thực hành tu dưỡng theo thì không những có được cơ thể khỏe mạnh mà còn có nhân cách cao đẹp.

Trong lịch sử nhân loại còn nhiều nhân vật vĩ đại, các bác sĩ, danh y của các dân tộc khác nhau quan niệm về sức khỏe.

Trong giới hạn nhận thức và bài viết trên một blog, bác sĩ chỉ xin chia sẻ 3 quan niệm này.

Bác sĩ tin rằng, bạn đọc sẽ nhận được nhiều giá trị hữu ích từ bài viết để sống một cách khỏe mạnh và lành mạnh.

Tác giả bài viết:  BSCKI. Chu Văn Điển (Doctor Chu),

P. Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, chức năng và phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 110, Bắc Ninh.

The Power Of Passion.

Nhật ký ngày 06/3/2024.

Khám phá liên quan: Chăm sóc sức khỏe ban đầu: ý nghĩa, nội dung và vận dụng

Kết bạn với Doctor Chu qua các kênh:

Địa chỉ: Khu Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh, TP. Bắc Ninh, Việt Nam.

Số điện thoại: 0968.850.088.

Website: doctorchuspa.com

Doctor Chu

Y Khoa Trực Tuyến

Doctor Chu Clinic

Nhà Thuốc Tuệ Nhân

Doctor Chu Group

Doctor Chu Real Estate Group

Doctor Chu Books Store

Youtube: Doctor Chu . Doctor For Women

Leave Comments

0968 850 088
0968850088